Mỗi tháng một lần, vào khoảng nửa đêm, lính canh tại nhà tù Saydnaya nằm bên sườn đồi ở ngoại ô thủ đô Damascus sẽ xướng tên hàng chục phạm nhân cùng lúc đến một căn phòng. Tại đây, lính canh tròng thòng lọng vào cổ các phạm nhân, sau đó kéo những chiếc bàn khỏi chân họ. Những tiếng nấc nghẹn cuối cùng của tù nhân vang vọng giữa bóng tối im lìm.
Đến giữa tháng 3/2023, tốc độ hành quyết ở nhà tù Saydnaya tăng lên đáng kể, theo lời 6 nhân chứng từng bị giam tại đây dưới thời tổng thống Bashar al-Assad.
Người dân tập trung bên ngoài nhà tù Saydnaya hồi tháng 12/2024. Ảnh: AFP
"Họ tập hợp 600 người để hành quyết trong ba ngày, khoảng 200 người mỗi đêm", Abdel Moneim al-Qaid, 37 tuổi, cựu thành viên phe nổi dậy ở Syria, cho biết. Al-Qaid bị bắt sau khi tự giao nộp mình theo một "thỏa thuận ân xá" với chính phủ.
Các vụ hành quyết hàng loạt năm 2023 tại "nhà tù tử thần" này được phơi bày thông qua lời kể từ các cựu tù nhân, quan chức chính quyền cũ cùng hàng trăm trang tài liệu được tìm thấy tại Saydnaya và các sở an ninh khác của Syria.
Saydnaya, được biết đến trong các tài liệu của chính quyền với tên gọi "Nhà tù Quân sự số Một", là trung tâm giam giữ, hành quyết lớn nhất trong hàng chục nhà tù được thiết lập dưới thời ông Assad.
Suốt 14 năm qua, cái tên "Saydnaya", lấy theo tên thị trấn nhỏ miền núi nơi nhà tù tọa lạc, đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân Syria. Mọi người thường dùng cụm từ "mất tích ở Saydnaya" để nói về việc ai đó bị bắt và không bao giờ trở về.
Ngoài hàng nghìn người bị giết trong các vụ hành quyết có tổ chức, các cựu tù nhân và chuyên gia tội phạm chiến tranh cho biết có lẽ hàng nghìn người khác đã chết tại Saydnaya do bị tra tấn và điều kiện giam giữ khắc nghiệt.
Bị giam trong những xà lim đầy chấy rận, tường thép với một khe cửa duy nhất làm cửa sổ, tù nhân bị cấm nhìn thẳng vào mắt lính canh. Nếu không, họ sẽ bị đánh đập dã man rồi bỏ mặc trên sàn nhà.
"Saydnaya là một cơn ác mộng kinh hoàng. Hầu hết những người vào đó đều không thể ra ngoài", Ali Ahmed Al-Zuwara, 30 tuổi, nông dân ở ngoại ô Damascus, người bị bắt hồi năm 2020 vì trốn nghĩa vụ quân sự, cho hay.
Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, khoảng 160.123 người Syria đã "biến mất" trong hơn 10 năm nội chiến ở nước này, chủ yếu là những người bị giam ở Saydnaya.
Gia đình một số người mất tích vẫn hy vọng người thân của họ còn sống. Những người khác đã làm lễ tang vắng mặt cho người mất tích, chấp nhận rằng họ không còn sống, nhưng vẫn đau đáu câu hỏi về việc người thân họ đã chết như thế nào hay khi nào.
"Dù biết anh ấy bị giam ở Saydnaya, chúng tôi không rõ chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi chưa bao giờ nhận được thi thể", Dina Kash, vợ của Ammar Daraa, nhà bán buôn bị bắt và mất tích hồi năm 2013, khi ông 46 tuổi, nói.
Nhờ các tài liệu tìm thấy trong một trụ sở cơ quan tình báo sau khi chính quyền Assad sụp đổ, gia đình bà tháng 12 năm ngoái mới được xác nhận rằng ông Daraa đã bị đưa đến Saydnaya.
"Chúng tôi phải cầu Thượng đế thương xót linh hồn ông ấy, nhưng luôn phải nói thêm rằng 'dù ông ấy còn sống hay đã chết'", bà Kash cho biết.
Nhà tù Quân sự Số một ở Saydnaya được xây dựng vào những năm 1980 dưới thời chính quyền Hafez Assad, cha của tổng thống Bashar al-Assad.
Năm 2011, trong phong trào "mùa xuân Arab" với các cuộc biểu tình lật đổ tổng thống Tunisia và Ai Cập, hàng nghìn người Syria đã tràn xuống đường yêu cầu nhận được quyền tự do chính trị lớn hơn.
Khi cuộc nổi dậy nổ ra, Mohammed Abdel Rahman Ibrahim, một thanh niên 26 có giọng nói khá nhỏ nhẹ, đang làm công việc gia sư cho học sinh nhờ tấm bằng toán cao cấp của mình. Anh vẫn sống với cha mẹ ở rìa phía nam Damascus, trong một khu phố của những thợ sửa ôtô và tài xế giao hàng.
Mùa hè năm đó, Ibrahim bị gọi nhập ngũ và được cử đi canh gác một căn cứ không quân ở miền bắc đất nước, nơi chiến đấu cơ chính phủ xuất kích để thả bom vào các vị trí của quân nổi dậy ở Aleppo gần đó.
Anh đào ngũ vào tháng 1/2013, gia nhập một lữ đoàn đối lập gần Damascus. Tuy nhiên, sau vài tháng, Ibrahim kiệt sức và từ bỏ cuộc chiến. Chạy trốn đến một khu vực ở miền nam Syria do phe đối lập kiểm soát, anh đã dành 4 năm dạy toán và làm việc tại một cửa hàng nhỏ nơi góc phố, sống như một người lưu vong, không thể về nhà ở Damascus vì sợ bị bắt.
Năm 2018, chính phủ công bố lệnh ân xá cho một số phiến quân ở miền nam. Mệt mỏi vì phải sống trong sợ hãi khi đi qua các trạm kiểm soát của chính phủ, Ibrahim quyết định chấp nhận thỏa thuận này.
Anh tự giao nộp mình tại một trụ sở cảnh sát quân sự ở Damascus. Khi đến nơi, Ibrahim đưa chứng minh thư và bản sao giấy tờ ân xá cho một sĩ quan.
"Ai đưa cho anh thứ này?", viên sĩ quan quát, ném giấy tờ xuống sàn.
Sau 4 ngày thẩm vấn, anh bị bịt mắt và đưa đến trụ sở Tình báo Không quân Syria tại căn cứ không quân Mazzeh. Các sĩ quan yêu cầu anh ký một tài liệu thú nhận tội giết binh lính chính phủ.
Ban đầu, Ibrahim từ chối. Anh lập tức bị đánh bằng dùi cui và treo lên trần nhà. Sau khi hạ anh xuống, các sĩ quan đe dọa gây nguy hiểm cho mẹ và em gái Ibrahim, khiến anh khuất phục. Ibrahim sau đó ký và lăn tay vào bản thú tội mà anh không được phép đọc.
Áo tù nhân cùng các vật dụng khác bị bỏ lại trong một buồng giam của nhà tù Saydnaya. Ảnh: WSJ
"Có lẽ tôi đã ký lệnh hành quyết của chính mình. Tôi không biết nữa", Ibrahim, hiện 40 tuổi, cho hay.
Một sĩ quan tình báo nói với Ibrahim rằng anh sẽ "không bao giờ nhìn thấy mặt trời nữa" trong lúc đẩy anh vào thùng xe tải. Vào một buổi sáng tháng 4/2019, Ibrahim cùng khoảng 40 tù nhân khác được đưa đến Saydnaya.
Tại đây, lính canh lột trần Ibrahim, nhét người anh vào một lốp xe cao su để có thể đánh đập tứ chi. Sau cuộc tra tấn đầu tiên, anh bị nhốt chung với 7 người khác trong một xà lim chỉ vừa đủ chỗ cho tất cả họ.
Bầm tím, chảy máu, trần truồng và run rẩy vì lạnh, những người đàn ông ôm chặt lấy nhau để sưởi ấm trong bóng tối. Chiếc bồn cầu duy nhất trong phòng giam tràn nước ra lênh láng dưới chân họ.
"Chắc tôi sẽ chết trước khi trời sáng", một người nói.
Tất cả những người trong buồng giam của Ibrahim đều sống sót đến sáng hôm sau. Lính canh mở cửa, đưa cho họ những bộ đồng phục màu xám rồi dẫn họ lên lầu, đến các xà lim thông thường.
Những gì Ibrahim trải qua tối hôm trước là một "thủ tục tiêu chuẩn", được một số cựu tù nhân gọi là "tiệc chào mừng". Nó giống như một nghi thức nhằm nghiền nát ý chí của họ.
Một số tù nhân đã chết trong trận đòn đầu tiên khi họ thường bị đánh tới 100 lần vào chân. Bashar Mohammed Jamous, 35 tuổi, cựu binh sĩ nổi dậy từng bị giam ở Saydnaya, cho hay anh đã phải cắt cụt bàn chân trái sau trận đòn "chào mừng".
Đây cũng là màn giới thiệu về cuộc sống sắp tới mà các phạm nhân sẽ phải đối mặt bên trong nhà tù, nơi họ bị tước bỏ những quyền cơ bản nhất của con người. Họ bị cấm nói to, bị tước giày dép, sách vở, giấy bút.
Gió thổi mạnh qua nhà tù gần như cả năm. Những người đàn ông run rẩy trong bộ đồng phục mỏng như giấy và các xà lim không có hệ thống sưởi.
Họ kể rằng nhiều người còn ép uống nước tiểu của chính mình, bị tấn công tình dục và liên tục bị lính canh đánh đập bằng tuýp nước hoặc ống nhựa. Jamous vẫn nhớ khi họ tắm, máu từ những trận đòn sẽ hòa lẫn với xà phòng và nước chảy lênh láng trên sàn.
"Mỗi lần mở cửa là một lần họ đánh bạn", Ibrahim nói.
Các tù nhân thường xuyên bị bỏ đói hoặc cắt nguồn nước uống. Một buồng giam đầy người chỉ nhận được một cốc gạo duy nhất cho khẩu phần cả ngày. Thiếu ăn làm cơ thể họ gầy mòn. Có lần, lính canh đã cắt nước 17 ngày liên tục. Một tù nhân tên Bassam Rahman phải uống nước từ bồn cầu, khiến anh ta chết vì bệnh vài ngày sau đó, Mahmoud Omar Warde, 34 tuổi, bạn tù của Rahman, nhớ lại.
"Chúng tôi bắt đầu với 25 người. Cuối cùng chỉ còn lại 8", Warde, hiện sống tại thị trấn Afrin ở miền bắc Syria, cho biết. "Tất cả những người thiệt mạng đều chết ngay trước mắt chúng tôi trong xà lim, chủ yếu do đánh đập".
Mùa hè năm 2011, khi ông Assad bắt đầu mạnh tay dập tắt cuộc nổi dậy, Muhammad Afif Naifeh đang ngồi trong văn phòng ở Damascus thì một nhóm quan chức an ninh xuất hiện. Họ yêu cầu ông tập hợp người rồi đưa họ đến một nghĩa trang ở vùng nông thôn phía nam thủ đô.
Tại địa điểm được chỉ định, một nghĩa trang ở thị trấn Najha, những nhân viên an ninh đưa đến chiếc xe tải đông lạnh chứa 10 thi thể và ra lệnh cho họ chôn cất. Cơ thể của Nafieh run lên.
"Tôi không đặt bất kỳ câu hỏi nào", ông nói.
Trong những tuần tiếp theo, các nhân viên an ninh đến liên tục, yêu cầu thêm người vì số thi thể cần chôn liên tục tăng lên, luôn vào ban đêm. Có lần, sĩ quan tình báo không quân đưa cho Naifeh một danh sách các thi thể. Họ không được đặt tên mà chỉ đánh số.
"Đó là lúc tôi nhận ra họ chết vì bị tra tấn", Nafieh nói.
Các tài liệu chính phủ cho thấy bên trong hệ thống bí mật gồm các bệnh viện quân sự và nhà xác của chính phủ, những thi thể được chuyển đến từ Saydnaya và nhiều cơ sở an ninh khác đang chất đống.
Đến năm 2013, nghĩa trang ở Najha đã hết chỗ. Nafieh và đội của ông được triệu tập đến một khu đất trống ở ngoại ô phía bắc Damascus. Tại đây, gần thị trấn Qutayfah, họ được hướng dẫn tiếp tục đào những ngôi mộ cho ngày càng nhiều thi thể hơn.
Theo phân tích hình ảnh vệ tinh từ Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức được thực hiện nhằm phục vụ phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh của một quan chức Syria ở Đức, hố chôn tập thể tại Qutayfah đã mở rộng từ 19.000 lên 40.000 m2 từ năm 2014 đến 2019.
Trong quãng thời gian này, mỗi tuần, 2-3 xe tải lại chở thi thể đến Qutayfah, đôi khi lên đến hàng trăm người. Một số thi thể có vết hằn quanh cổ. Những thi thể khác vẫn còn dây thòng lọng treo trên cổ mà sau này Nafieh mới biến là họ đến từ Saydnaya.
Lịch do các tù nhân khắc trên tường của một xà lim biệt lập bên trong nhà tù Saydnaya. Ảnh: WSJ
Naifeh đào tẩu vào năm 2017 và trốn sang Đức. Tại đây, ông đã làm chứng trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh chống lại một quan chức chính quyền Syria. Suốt nhiều năm, ông giữ kín danh tính của mình.
"Nó hủy hoại tôi về cả cảm xúc và thể chất", ông nói. "Tôi luôn gặp ác mộng kể từ khi đến Đức".
Ngày nay, hố chôn tập thể này là bãi đất lầy lội bên cạnh một đường cao tốc, liền kề nhiều căn cứ quân sự.
Mohammed Ibrahim hồi tháng hai lần đầu tiên trở lại nhà tù Saydnaya với tư cách một người tự do. Anh đi qua tòa nhà, chỉ ra xà lim cũ của mình và căn phòng nơi diễn ra buổi tra tấn "dằn mặt".
"Tôi vẫn nghe thấy tiếng la hét trong đầu mình và cả những tiếng roi vụt", anh nói. "Cứ như thể tất cả cảnh tượng đó đang diễn ra trước mắt tôi".
Cùng lúc, Ibrahim cho hay việc đến thăm nhà tù đã giúp anh hiểu rõ hơn.
"Những ngày đầu sau khi ra ngoài, tôi sợ ngủ. Tôi cứ nghĩ đó chỉ là một giấc mơ và mình sẽ thức dậy lại ở Saydnaya", anh cho biết. "Bây giờ, tôi biết nó thực sự đã kết thúc".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Aurora Israel, AFP, Reuters)